Trang chủGIỚI THIỆUNhân kỷ niệm ngày mất của Hàn Mặc Tử: MỘT NHÀ THƠ...

Nhân kỷ niệm ngày mất của Hàn Mặc Tử: MỘT NHÀ THƠ TÀI HOA GỐC HỌ PHẠM

hmt hmt4 hmt5 hmt6 hmt7 hmt8Phạm Thúy Lan
…Sinh ngày 22.9.1912 tại Bình Định, tên thật là Nguyễn Trọng Trí nhưng gốc  họ Phạm ở Thanh Hóa. Ông cố (tứ đại) của Hàn Mạc Tử tên là Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con trai là Cụ Phạm Bồi phải di chuyển vào Thừa Thiên Huế, rồi con cụ phải đổi sang họ Nguyễn theo họ mẹ. Cụ Phạm Bồi sinh ra ông Nguyễn Văn Toản. Ông Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy (bà Nguyễn Thị Duy con của ngự y có danh thời vua Tự Đức có tên là Nguyễn Long), sinh được 8 người con, đặt tên là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Hiếu, Hiền, Thảo. Nguyễn Trọng Trí (tức Hàn Mạc Tử) là người con thứ tư (người con cả là Nhân tức Nguyễn Bá Nhân cũng trở thành nhà thơ có bút danh là Mộng Châu). Như vậy, ông nội của Nguyễn Trọng Trí – Hàn Mạc Tử vẫn còn mang họ Phạm.
Một cuộc đời ngắn ngủi 28 năm (22.9.1912 – 11.11.1940) trong đó 5 năm cuối cùng sống với bệnh phong quái ác và ra đi trong đau đớn, cô đơn ở nhà thương Quy Hoà, TP Quy Nhơn, an táng tạm ở nghĩa địa nhà thương Quy Hoà với một nấm mồ đất, một cây thánh giá bằng gỗ tạp, không vòng hoa, không hương khói, đìu hiu quạnh quẽ dưới một gốc cây phi lao. Gần hai chục năm sau, tháng 2 năm 1959 với sự giúp đỡ của Quách Tấn ngôi mộ mới được cải táng và xây tử tế trên sườn núi Ghềnh Ráng trông ra biển Quy Nhơn trời nước mênh mông. Ngôi mộ hiện nay là ngôi mộ đã được chỉnh trang năm 2008.
Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm 16 tuổi với các bút danh Phong Trần, Lệ Thanh và sau cùng là Hàn Mặc Tử, đã để lại các tập thơ: Lệ Thanh thi tập, Gái quê (1936), Đau thương (còn gọi là “Thơ điên”-1938), Xuân như y (1939), Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên (1939), Duyên kỳ ngộ (kịch thơ- 1939), Quần tiên hội (kịch thơ- 1940), Chơi giữa mùa trăng (thơ văn xuôi)… HMT viết đủ thể thơ nhưng thành công hơn cả là thơ Đường luật và Thơ mới. Thơ của HMT có nhạc điệu du dương, hình ảnh thường lộng lẫy, mơ màng, khi hư khi thực. Đặc biệt những bài HMT viết về trăng thật độc đáo với nhiều cảm xúc vui buồn hờn giận khác nhau.
Sinh thời HMT chỉ xuất bản một tập thơ là GÁI QUÊ. Chính Nhà thơ đã bỏ tiền túi, in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội, xong vào tháng 10.1936. Các tập thơ sau Nhà thơ không tìm ra được nhà xuất bản, và cũng không còn khả năng tài chính để tự xuất bản như tập Gái quê trước đó
Kho tàng thơ ca hiện đại Việt Nam như giầu có hơn, phong phú thêm về sự đóng góp độc đáo của thơ Hàn Mặc Tử. HMT đã viết bằng tài hoa và bằng cả máu thịt, tâm huyết nhất của mình. Từ bút pháp tới cấu tứ, ngôn từ đều luôn luôn đổi mới, không lặp lại mình, và cũng không bao giờ là bản sao của một thi sĩ khác
Hàn Mặc Tử là một hiện tượng vừa lạ vừa quen trong làng thơ Việt Nam đã gây ra không ít tranh luận, bàn cãi. Song, tất cả đều phải công nhận rằng: Con người tài hoa ấy như một ngôi sao băng vụt sáng giữa trời đêm của xã hội Việt Nam và trong vườn hoa thi ca dân tộc lúc bấy giờ. Hàn Mạc Tử đã để lại cho đời nhiều bài thơ xanh mãi cùng năm tháng. HMT còn được gọi là Thi sĩ của Thánh Giá.
Chính vì thế, HMT được mọi người yêu thương, quý trọng..
Có rất nhiều hoạt động tưởng nhớ Nhà thơ. Đặc biệt, năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của HMT đã có rất nhiều hoạt động tôn vinh Nhà thơ được tổ chức tại Bình Định, Thừa Thiên Huế, TP HCM và cả ở Thánh đường Council Vitznau ở Genevơ, Thụy sĩ. Trong đó có việc ra mắt tập thơ GÁI QUÊ với đầy đủ 34 bài thơ gốc sau bao nhiêu công phu tìm kiếm cùng nhiều bài viết về HMT và thơ HMT là rất có ý nghĩa.
Những người họ Phạm rất tự hào về nhà thơ mang dòng máu họ Phạm với bút danh Hàn Mạc Tử. Và, dù đã 75 năm trôi qua, chúng ta vẫn ngậm ngùi đau xót, thương tiếc nhà thơ tài hoa mà bạc mệnh. Bài viết tóm lược ngắn ngủi này coi như một nén tâm nhang, một bông hồng trắng đặt trên bàn thờ HMT, cầu mong Nhà thơ mãi mãi được siêu thoát, phiêu lãng nơi “Không gian tràn ngập toàn trăng cả” mà Nguyễn Trọng Trí vẫn say thuở sinh thời.
Thúy Lan (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments