Trang chủHOẠT ĐỘNG DÒNG HỌLễ tưởng niệm lần thứ 70 ngày mất cụ THượng Chi Phạm...

Lễ tưởng niệm lần thứ 70 ngày mất cụ THượng Chi Phạm Quỳnh: Ứng xử văn hoá của người Huế

Một góc nhìn tại lễ tưởng niệm cụ Phạm Thượng Chi ở Huế. Ảnh: Anh Tú

Cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh quê Hải Dương, mất ở Huế táng 9-1945. Năm 1956 con cháu cải táng cụ về phía trước chùa Vạn Phước, nơi sinh thời, những lúc mỏi mệt, căng thẳng, sau giờ làm việc cụ Phạm thường lên đây thư giản, tĩnh tâm, tìm về nơi chốn thanh thản của tâm hồn.
Lễ giỗ lần thứ 70 của cụ Phạm được tổ chức tại Huế và tại Hà Nội. Trước ngày chính giỗ ở Từ đường (hiện nay là tư gia của nhạc sĩ Phạm Tuyên), vào ngày mồng 4-8 năm Ất Mùi, tại Huế, ngày 1-8 lịch âm, các nhà sư ở Tổ đình Vạn Phước đã làm lễ cầu siêu, giải oan bạt độ cho cụ Phạm. Trước lễ cầu siêu Hội đồng Họ Phạm Thừa Thiên Huế cùng con cháu nội ngoại tổ chức lễ dâng hương cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh tại mộ phần.
Ngoài đại diện Hội đồng dòng họ, nội thân, ngoại thân, có khá nhiều vị trí thức, văn nghệ sĩ tại cố đô Huế, những người kính trọng, ngưỡng mộ tài năng, nhân cách của cụ Thượng Chi; có sự ảnh hưởng tích cực của cụ trên con đường hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình cũng đã đến dâng hương trước mộ cụ Phạm và dự lễ cầu siêu tại chùa.
Đó là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Xuân Hoa, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà văn Hà Khánh Linh, NNC Nguyễn Đắc Xuân, NNC Phan Thuận An, nhà báo Thanh Tùng…
Ấy là các bác đã hồi hưu. Đương nhiệm có Tiến sĩ Nguyễn Duy Tờ, TS Phan Thanh Hải, nhà báo Dương Phước Thu, nhà báo Trương Diên Thống, nhà doanh nghiệp Lê Tân… Thân hữu của nhạc sĩ Phạm Tuyên có ông Vĩnh Mẫn, luật sư Phan Hội… Từ Hà Nội vào viếng cụ Chủ nhiệm kiêm Chú bút Tạp chí Nam Phong có nhà sử học, Chủ bút kiêm Chủ nhiệm Tạp chí Xưa-Nay Dương Trung Quốc.

Đặc biệt, một số vị đã có bài phát biểu cảm tưởng, lời ai điếu, kính cáo cụ Phạm Thượng Chi. Ngô Minh sang sảng đọc lại bài thơ “Trước mộ cụ Phạm Quỳnh” mà anh viết liền một hơi vào trưa 30 Tết năm Ngọ, ngay sau khi đi thăm mộ cụ Phạm trở về nhà.

Ông Thân Trọng Ninh tỏ lòng biết ơn sâu sắc về bài viết của cụ Phạm Quỳnh về cụ Nội của mình là Thượng thư Thân Trọng Huề trên Tạp chí Nam Phong số 96/1925. Bài viết có hai phần. Phần trên, cụ Chủ bút Nam Phong dành để ca ngợi người quá cố. Phần hai nói về cảm tưởng của mình (tức Phạm Quỳnh) đối với cụ Thân Trọng Huề.
“Tin này truyền ra, chắc cả quốc dân đều thương tiếc. Nhất là đồng-nhân trong báo quán này, lại càng xót-xa hơn lắm nữa. Cụ đối với bản-chí có cái ơn đỡ đầu buổi sơ sinh, có cái nghĩa bạn thân khi trưởng-thành. Những bài đại-luận cuả Cụ chan-chứa một lòng yêu nước thương nòi, còn văng vẳng bên tai độc giả…
“Nay Cụ đã sớm vội lìa trần, thật là nước Nam ta thiệt mất một người thành tâm ái quốc. Có thể cho là một cái tang chung cho cả nước vậy.
“Nay được tin Cụ tạ thế, thật như mất một ông thầy vậy…Ô hô! Thương thay!
Trước vong linh cụ Thượng Chi, ông Thân Trọng Ninh “cúi đầu bái tạ, cám ơn Cụ đã rất thành tâm thành ý khi viết về một vị tiền bối của dòng họ Thân chúng con.”

NNC Nguyễn Xuân Hoa bày tỏ: Tiên sinh nổi danh là bậc thức giả đông tây kim cổ. người có Tây học vững chắc, nhưng rất nặng lòng với dân tộc, với “quốc túy”, “quốc văn”, lại phải sống trong một thời đầy những biến động phong ba bão tố.
Nặng lòng với dân tộc lắm mới để lại câu nói đầy tranh cải: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Nặng lòng với dân tộc lắm mới mạnh mẽ nói trước Nghị viện Pháp: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng được đâu. Chúng tôi là một cuốn sách đầy rẫy những chữ viết bằng thứ mực không phai đã hằng mấy mươi thế kỷ nay”.
Có lẽ cũng do nặng lòng với dân tộc lắm mà tiên sinh đã hết lời ngợi khen cảnh sắc Huế trong 10 ngày du khảo, mới nhận lời về Huế với ý tưởng những mong giúp Nam triều canh tân đất nước, thu hồi chủ quyền, mới ở lại biệt thự Hoa Đường để sống với chốn thần kinh non nước hữu tình…

Cũng nhận mình là kẻ hậu học, kính cáo hương linh cụ Phạm NNC Phan Thuận An viết:
…Cụ đã phải ra đi ở tuổi 53, giữa lúc thể lực còn tráng kiện, tinh thần còn minh mẫn, ở tuổi “tri thiên mệnh”, ở thời điểm sung sức nhất trong cuộc đời.
… Những chân giá trị trong các công trình văn chương và học thuật của Cụ sẽ làm cho thanh danh của Cụ sống mãi với thời gian.
Riêng nỗ lực tự học của Cụ trong tuổi thanh xuân đã là một tấm gương sáng ngời cho hậu thế.
… Di thể của Cụ đang an nghỉ dưới nấm mộ này, nhưng phương danh của Cụ đã vang xa trên thế giới. Cách đây không lâu, một số học giả ở Hoa Kỳ đã thành lập: “Ủy ban Phục hồi Danh dự Phạm Quỳnh” và họ đã “Giải oan lập một đàn tràng” cho Cụ (lấy chữ trong truyện Kiều, câu 2968). Với động thái vinh danh cao quý này, nguyện cầu vong linh Cụ được an ủi phần nào để ngậm cười nơi chín suối…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên (ảnh trên) và nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu trong buổi ra mắt sách “Phạm Quỳnh – Những góc nhìn từ Huế”.
Ảnh: Anh Tú

Cánh nhà báo cũng bày tỏ tấm lòng của mình với lão tiền bối. Các nhà báo Hoàng Phước, Phạm Hữu Thanh Tùng, Thuỷ Trường đã kịp hoàn thành công việc in ấn và tổ chức ra mắt cuốn sách “Phạm Quỳnh – Những góc nhìn từ Huế”. Tác phẩm được hình thành từ những bài viết đã in trên các báo in, báo điện tử, một số tham luận trong buổi ra mắt cuốn “Phạm Quỳnh – một góc nhìn”, tập 2, do Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan, một nhà nghiên cứu người Huế, sinh sống ở Hà Nội, tổ chức bản thảo, NXB Công an nhân dân ấn hành. Buổi ra mắt và giới thiệu cuốn sách này do Thường trực Hội đồng Họ Phạm Thừa Thiên Huế và Trung tâm Du lịch Huế xưa Huế nay tổ chức (tại Huế) vào tháng 8-2012.

Vậy là lễ giỗ của cụ Phạm Thượng Chi lần này không chỉ là việc riêng của con cháu trong gia đình, mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đang là bậc trưởng thượng. Con cháu chưa đưa cụ về quê đã không có điều gì phải áy náy, băn khoăn trước những ứng xử văn hoá của người Huế đối với một nhà văn hoá nặng lòng với đất nước.
TH.T

pq pq1 pq2 pq3

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments