Trang chủGIỚI THIỆUGƯƠNG SÁNG HỌ TA LÁ KHÔNG LÀNH ĐÙM LÁ KHÔNG LÀNH

GƯƠNG SÁNG HỌ TA LÁ KHÔNG LÀNH ĐÙM LÁ KHÔNG LÀNH

Với tiêu đề “Gieo những mầm thiện” và “Ghép lại ước mơ”, Hà Minh, phóng viên tạp chí Người khuyết tật, đã có những bài  đăng trong các số 06 T6-2017 và số 1+2+3 T1,2, 3/2018 kể lại các cuộc nhà báo về thăm cơ sở học nghề-việc làm 3/12 của anh Nguyễn Kim Khôi, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, và những tâm sự, băn khoăn day dứt của người thầy dạy nghề, ông chủ cơ sở khuyết tật này.

Người cha quá cố của anh Khôi, ông Phạm Quang Nhuệ, sau khi xuất ngũ về địa phương đã mang một cái tên họ Nguyễn (Nguyễn Kim Doanh). Vì vậy, trong giấy tờ chính thức của các con ông, tất cả đều mang họ Nguyễn. Và anh Khôi cũng không ngoại lệ. Anh thuộc chi Ất 1.2  họ Phạm Đông Ngạc, đời thứ 17. Ông tổ đời thứ 9 của anh là Tiến sĩ Phạm Công Hoàn mà nhà thờ Tiến sĩ chính là nơi gia đình anh ở để chăm nom hương khói.

Trước đây anh Khôi (SN 1963) làm trưởng phòng cho một công ty liên doanh với nước ngoài chuyên về hướng dẫn điều chỉnh, sử dụng máy may công nghiệp và kinh nghiệm dạy nghề may trên máy may công nghiệp. Năm 2004, trên đường đi công tác anh gặp tai nạn giao thông. Vận đen đã khiến anh phải cưa cả ống chân trái và nửa bàn chân phải. Trong cách phân loại mức độ khuyết tật ở Việt Nam thì anh thuộc loại thứ 2: khuyết tật nặng. Các con số thống kê cho thấy số người khuyết tật các loại ở Việt Nam lên tới 15% dân số (tương ứng khoảng 10-12 triệu người). Phần lớn những người bị nặng như anh, cuộc sống sẽ rất khó khăn, đến mức có thể phải cần  có người chăm nom thường nhật. Đối với anh, một con người luôn có ý chí vươn lên, anh đã vượt lên vận đen. Bình thường, ai mới gặp anh thì khó mà biết tình trạng sức khỏe của anh, vì anh vẫn đi lại, đi xe máy nhanh là khác, cùng lắm cũng chỉ để ý thấy bước chân của anh hơi chệch choạc, không nhanh như người bình thường. Có ai ngờ rằng, bên trong ống quần dài bên trái là một đoạn ống và bàn chân giả…Anh cho biết: Sau một thời gian chìm vào thất vọng và đau khổ, anh quyết định phải vượt lên số phận. Anh tham gia sinh hoạt trong tổ chức Người khuyết tật ở xã (nay đã lên phường), và các cấp cao hơn. Năm 2008 anh bắt đầu tham gia vào việc dạy nghề may cho người khuyết tật. Số học viên của anh đã lên tới hơn 50 chục em, đến từ nhiều tỉnh, miền chứ không chỉ Hà Nội. Dần dà, anh lập nên cơ sở may thêu mang tên Học nghề – Việc làm 3/12. Hiện cơ sở có khoảng 20  máy khâu và thường xuyên có khoảng 15 cháu khuyết tật đến làm việc và học nghề. Không kể một số cháu khuyết tật khác sau khi đã được đào tạo thành thục xin về làm tại nhà, gia công cho cơ sở của anh. Sản phẩm của cơ sở chuyên về các loại cờ: cờ tổ quốc, cờ họ, cờ lễ hội, cờ phật, cờ đuôi nheo…Doanh thu hàng năm trên 500 triệu Đ. Lương các học viên tùy theo sản phẩm, và sản phẩm nhiều ít cũng còn tùy ở sức khỏe và tình trạng khuyết tật. Trung bình khoảng 4-5 triệu Đ/tháng/cháu. Anh bật mí: Các cháu đến với anh thuộc các đối tượng khuyết tật khác nhau: khiếm thị, khiếm thính có, trí não có, liệt nửa người, liệt một bên chân/và tay có…Anh phải tự tạo các loại giáo án khác nhau, tự học ngôn ngữ cơ thể…để truyền đạt kiến thức cho các em. Ví dụ, có chỉ sử dụng được một bên tay, anh rèn cho em dần dần tay và cánh tay còn lại cũng thành hữu ích. Có em khuyết tật chân quá ngắn, không với tới bàn đạp máy, anh  điều chỉnh trục máy thấp xuống và chế tạo thiết bị nối dài chân như dùng một đôi guốc cao siêu khổ, tạo thiết bị để làm bàn chân các em xoay khi sử dụng bàn đạp máy…. Những cách khổ luyện anh thực hiện cho các em anh kể ra nhiều lắm. Càng nghe anh kể, tôi càng khâm phục ý chí và cái tâm lo nghĩ tìm cách giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ sao cho họ có được suy nghĩ tích cực về cuộc sống và có kế sinh nhai, giảm bớt phụ thuộc vào người thân, gia đình…Anh cho biết: Tham gia trong Hội người khuyết tất, anh biết các trường và trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật thì không thiếu, nhưng dạy rồi cung cấp cho họ nơi để kiếm sống thì không nhiều. Cho người ta cái cần câu nhưng không cho ao cá thì câu sao được cá. Vì vậy, cơ sở của anh tuy nhỏ nhưng lại là hiện tượng khá đặc thù: dạy nghề kèm theo cung cấp việc làm. Anh và cơ sở của anh là niềm tự hào của phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm và TP Hà Nội. Trong dịp tổng kết 5 năm của Hội người khuyết tật toàn quốc (2012-2017), anh đã được vinh dự Chủ tịch TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ lao động và TBXH trao tặng bằng khen và danh hiệu Người tốt, việc tốt….Ngoài việc quán xuyến  cơ sở của mình, anh còn hết lòng vì việc họ: tham gia HĐGT họ Phạm Đông Ngạc, cùng vợ con trông nom hương khói nhà thờ TS Phạm Công Hoàn. Người trong họ, trong phường luôn nhìn anh như một tấm gương vươn lên trong cuộc sống, thân thiện và cảm kích. Chia tay anh trong buổi trưa nắng gắt, anh ước muốn; Mô hình vừa dạy nghề vừa cung cấp việc làm như của anh được hỗ trợ, giúp đỡ nhân rộng ra trên mọi miền Tổ quốc ở những đâu có người khuyết tật như anh và các em đang cần cù bên máy./.

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments