Trang chủGIỚI THIỆUGiới thiệu dòng họ: LỊCH SỬ HÌNH THÀNH DÒNG HỌ PHẠM CẨM...

Giới thiệu dòng họ: LỊCH SỬ HÌNH THÀNH DÒNG HỌ PHẠM CẨM SA PHƯỜNG ĐIỆN NAM BẮC, THỊ XÃ ĐIỆN BÀN, QUẢNG NAM

Cam Sa 2 Cam Sa 3 cam Sa 5 Cam Sa 6 Cam Sa 7 Cam Sa Cam Sa1

Thủy Tổ Tộc Phạm Cẩm Sa tên là Phạm Tư, quê Làng Kiệt Đặc, Huyện Chí Linh, Phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nay là Thôn Kỳ Đặc, Phường Văn An, Thị trấn Chí Linh, Hải Dương.
Xuất thân trong một gia đình Sỹ phu yêu nước, vâng mệnh Triều đình, vào thời kỳ Lê Trung Hưng năm 1599. Ngài cùng 4 người con là: Phạm Cận, Phạm Sự, Phạm Văn Triều và Phạm Tất Văn gia nhập đoàn quân Nam Tiến của Chúa Nguyễn Hoàng ra đi mở mang Quốc thổ, bình định biên cương góp phần làm giàu đẹp giang sơn Đại Việt.
Sau thời gian tham gia chiến trận, Ngài và các con được phân công về xây dựng vùng đất mới khai hoang phục hóa, đặt xã hiệu là Cẩm Sa, thuộc Tổng Thanh Quýt, Phủ Diên Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam nguyên từ thuở xa xưa là đất của dân tộc Chiêm Thành, năm 1306 Vua Chiêm Thành là Chế Mân kết hôn với Huyền Trân Công Chúa dâng 2 Châu Ô, Rí để làm lễ cưới nên ranh giới của Đại Việt được mở rộng đến Bắc sông Thu Bồn. Nhưng sau khi Chế Mân chết, Huyền Trân Công Chúa trở về đại Việt nên vùng đất Bắc sông Thu Bồn trở thành địa bàn tranh chấp giữa Chiêm Thành và Đại Việt; mãi đến mùa xuân niên hiệu Hồng Đức thứ II (năm 1470), Vua Lê Thánh Tông mới cử đại binh chinh phạt Chiêm Thành, đánh từ Chiêm Đông (Quảng Nam) Cổ Lũy (Quảng Ngãi) vào cửa Thị Nại bao vây hạ Thành Đồ Bàn (Bình Định). Vua Chiêm thành là Trà Toàn bỏ chạy vào Phan Rang dâng sớ đầu hàng Đại Việt. Từ đó vùng đất Quảng Nam mới được ổn định, phong trào “nam tiến” của người Đại Việt bắt đầu từ Miền Bắc vào Miền Nam xây dựng quê hương mới, mở rộng cương vực, bảo vệ Tổ Quốc Đại Việt, trong đó có Thủy Tổ chúng ta.
Cẩm Sa là địa bàn quan trọng, là đầu mối liên lạc giữa Phủ Chúa Thuận Hóa và Dinh Trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, địa giới Cẩm Sa có sông Cổ Cò chạy dọc theo ven biển thông thương từ Cửa Hàn đến Cửa Đại Chiêm phân chia ranh giới giữa các làng: Cẩm Sa, Gia Lộc, Hà Lộc, Hà My.
Tại vùng đất này, Thủy Tổ Tộc Phạm cùng Thủy Tổ các Tộc khác đã vượt qua nhiều gian khó, thiên tai dịch bệnh dày công khai phá đất đai, xây dựng thanh quê hương “Cát Gấm” để lại đến ngày nay. Với công tích ban đầu qui dân lập Làng Thủy Tổ Tộc Phạm đã được nhân dân trong làng suy tôn và được Triều Đình sắc phong là “Tiền hiền khai khẩn” và được trí phần Tộc điền ngàn thu qui tế tại Đình Làng Cẩm Sa.
Ngay từ thuở ban đầu, cùng với việc khai cơ lập nghiệp, xây dựng quê hương mới, các vị con, cháu của Thủy Tổ đã tham gia việc triều chính, quân cơ, chiến đấu và bảo vệ đất nước được Triều định sắc phong tước hầu, tước bá – như: Tiền cai tri hiền lương hầu, Phạm Tất Thắng, thứ đội trưởng Mỹ Lương Bá: Phạm thời danh.
Phát huy truyền thống vinh quang đó, từ khi có phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, những người con của Tộc Phạm chúng ta đã sớm chịu ảnh hưởng tiếp thu và giác ngộ làm cách mạng, bằng mọi cách đấu tranh chống cường quyền, áp bức, chống xâu thuế bất công. Người con Tộc Phạm đầu tiên tiêu biểu cho phong trào cách mạng ở quê ta là Phạm Đức Đương, năm 1936 thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng với tư cách nhà báo có bút danh “Thanh Bình”, sau Nam Kỳ khởi nghĩa bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo, sau cách mạng Tháng Tám làm Thường vụ Tỉnh ủy Long Xuyên và hy sinh năm 1947 tại huyện Tân Phú.
Điện Nam có 1552 gia đình liệt sỹ, hơn 200 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng là một trong những địa phương có số lượng liệt sỹ nhiều nhất nước, 9 người được phong quân hàm cấp tướng và 2 vị giữ cương vị Chủ tịch Tỉnh. Trong đó Tộc Phạm Cẩm Sa có 150 liệt sỹ, 20 bà mẹ VNAH, 3 vị tướng, 1 vị Chủ tịch Tỉnh, 1 Phó Bí thư Tỉnh ủy, 1 thường vụ và 3 Tỉnh ủy viên.
Trung ương có 1 hàm thứ trưởng, hàng chục cán bộ cấp thứ trưởng và chuyên viên cao cấp.
Nối nghiệp cha ông, làm rạng danh qua các thời kỳ của họ Tộc có các người con tiêu biểu như sau :
Làm quan dưới triều vua Tự Đức có cụ Phạm Đức Thu, phái 3 chi 3, khi mất cụ được vua ban cho tấm bia mộ hiện vẫn còn tại nghĩa trang. Tham gia phong trào Cần Vương có cụ Phạm Viết Luân, hậu duệ đời thứ 13, cụ Luân là anh em đồng hao với nhà chí sỹ yêu nước Trần Quý Cáp, không may bị bệnh mất sớm.
Về khoa cử có cụ Phạm Đăng Phan, đời 12 phái 3 chi 2 tham gia vào kỳ thi Mậu Tuất năm 1898; Đó là kỳ thi đất Quảng Nam đậu 3 tiến sỹ và 2 phó bảng được vua Thành Thái ban tặng Ngũ Phụng Tề Phi, tuy không đỗ như cụ Ngô Lý nhưng được triều đình đánh giá cao và phong cho học vị là “Tiền Học Sanh”.
Về y học, nhiều gia đình Tộc Phạm sau khi có trình độ học vấn cao, uyên thâm nho học nhưng không ra làm quan mà làm lương y chửa bệnh cứu người; Điển hình như cụ Phạm Viết Phú, phái tư, trải qua 4, 5 đời làm thầy thuốc cho đến cụ Phạm Chí, Phạm Châu Tuân, v.v…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là hai thời kỳ thử thách quyết liệt nhất, chịu biết bao cảnh đầu rơi máu chảy. Dòng máu của những người con Tộc Phạm đã hòa chung với những dòng máu của những người con của các Tộc họ khác, bảo vệ quê hương xứ sở, góp phần nhỏ bé của mình giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là bản anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh, nhiều người con của dòng họ chúng ta đã hy sinh xương máu để tô thắm thêm những nét nhạc trong bản anh hùng ca ấy, một trong những người con xuất sắc được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu qua các thời kỳ như: Anh Hùng Quân đội: Thiếu Tướng Phạm Bân, Anh Hùng Quân đội : Trung Tướng Phạm Ngọc Lan, Thiếu Tướng Công an: Phạm Mai và ông Phạm Đức Nam – Nguyên là Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 9 năm 2015
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIA TỘC
TỘC PHẠM CẨM SA

PHẠM ĐỨC NAM

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments