Trang chủGIỚI THIỆUDÒNG ĐỜI TIẾP NỐI...

DÒNG ĐỜI TIẾP NỐI…

Lời BBT: BBT nhận được bài viết dưới đây của ông Phạm Văn Ninh, bút danh: Thanh Ứng, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Hà Nội

(ĐT 0915473468), về họ Phạm nhà ở thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nôi. BBT xin đăng nguyên văn bài viết.

Dòng đời tiếp nối…

Họ tôi là họ Phạm của thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.Tôi gọi trưởng họ tôi là cháu, cháu Phạm Minh Phúc. Cách đây ba năm, cháu bảo vệ luận văn Tiến sĩ tai Viện Khoa học xã hội. Đó là học vị tiến sĩ đầu tiên của họ Phạm nhà tôi. Hôm giỗ tổ, cháu khao cả họ và họ cũng mừng lại cháu bức tranh khảm trai “Vinh quy bái tổ”. Cháu nhận bức tranh song đề nghị được treo bức tranh đó ở nhà thờ để mọi người được thưởng thức. Anh em trong họ mang hoa và có người còn mang cả phong bì để tặng cháu. Hoa cháu nhận còn phong bì cháu đưa ban khuyến học để vào quỹ. Thế là ai cũng vui, người tặng, người nhận đều thấy việc làm của mình có ý nghĩa. Cháu trưởng họ tôi học cao, nghe nói đâu lại có chức vụ nào đó ở một Bộ, song rất tâm huyết với công việc của họ. Chức trưởng họ, nói như bà chị dâu tôi, mẹ cháu Phúc, nói với vợ tôi: “Thím ạ! Cái chức này không nhận không được mà cũng không nhường cho ai được.”. Đúng thế. Ngày xưa, anh tôi, Phạm Minh Châu, trạc tuổi tôi, cũng là giáo viên, trưởng họ. Anh đi bộ đội. Hồi sắp đi B, đơn vị anh đóng quân ở vùng Đại Nghĩa, Tế Tiêu bên Mỹ Đức. Tôi biết tin, đang dạy học ở Chợ Bến, phóng xe ra ngủ với anh một đêm. Đêm đó anh đưa tôi đi chơi đến nhà những cô gái mà anh vừa đến đóng quân đã “dân vận” được. Anh tôi đẹp trai, hát hay lại giỏi giao thiệp. Anh chụp một số ảnh ở hiệu ảnh chỗ Chợ Sêu…Thế rồi anh đi B. Sau năm 75, anh trở ra Bắc. Hình như, anh có vướng víu chuyện tình cảm với một ai đó ở trong Nam…Người nhà của người đó đã ra tận ngoài này nói chuyện với bố tôi. Nhưng rồi mọi chuyện cũng được thu xếp êm đẹp. Anh tôi lại tiếp tục dạy học ở trường THCS của xã và lấy vợ cũng là một cô giáo, người làng. Cháu Phúc là con cả nên đến khi anh tôi mắc bệnh hiểm nghèo, mất, cháu Phúc được kế vị làm trưởng họ. Cháu Phúc đã có con trai, rồi sau này con trai trưởng của cháu Phúc lại làm trưởng họ… Có một trưởng họ là Tiến sĩ, cả họ cũng vui và tự hào. Tuy bận việc nhà nước song cháu vẫn quan tâm chăm lo cho công việc của họ. Trước hết là duy trì đều đặn các lễ tiết trong năm. Một năm có hai lần gỗ và chạp tổ. Đầu năm là ngày mùng 10 tháng giêng, cuối năm là ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch. Cố gắng thực hiện đúng ngày, nếu xê xích lên trước một ngày thì vận dụng vào ngày thứ bảy, chú nhật để con cháu về đông vui. Ngày đó, trừ những người ở quá xa còn thì đều bố trí công việc về dự. Theo tục lệ từ xưa, “việc họ” chỉ dành cho con trai nhưng gần đây có cả con gái họ và con dâu họ. Vợ tôi, sau 43 năm làm dâu họ, năm nay cũng xin về dự lễ tổ. Bà xã tôi cũng vui khi được chứng kiến không khí của “việc họ” và chăm chú theo dõi màn “tế Tổ” do các cụ, các ông trong họ thực hiện. Đó là một nghi thức trang trọng: Mười ông mặc áo, đội mũ tế lụa xanh chia đứng hai hàng, giữa là trưởng họ, cháu Phúc, áo vàng, khăn vàng làm chủ lễ. Mười ông,lần lượt từng đôi một, khoan thai, theo chủ tế vào dâng hương, dâng nến với lời hô, tiếng trống dõng dạc uy nghiêm . Phần đọc văn tế được mọi người quan tâm theo dõi. Rất may, họ tôi là có ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương. Năm nào ông cũng về “ việc họ” và thay mặt họ đọc văn tế, dâng lòng thành kính lên tổ tiên. Ngày xưa, thân sinh ông Tuấn là cụ Năm Bích, nghệ sĩ đoàn tuồng Bắc. Theo vai vế thì cụ là nóc họ. Cụ mất rồi, cụ bà –một cô hàng xén xinh đẹp ở chợ Hôm ngày xưa, năm nào cũng vào “việc họ”. Cụ gần 80 mà vẫn vui vẻ, tươi tắn như hồi trẻ. Có thể nói: Gia đình cụ Năm Bích là một gia đình nghệ thuật, này nhé: Ngoài Cụ Năm Bích, ông Tuấn còn có bà Thúy Ngần (vợ ông Tuấn) là nghệ sĩ ưu tú, bà Ngọc Ánh ở đoàn chèo Hà Nội cũng là nghệ sĩ ưu tú, các con ông Tuấn mấy người cũng theo đường nghệ thuật… Sau lễ tế tổ, lần lượt theo thứ bậc, các con cháu vào lễ. Nghi lễ trang trọng này kéo dài hơn một tiếng đồng hồ nhưng không ai cảm thấy nặng nề vì các nhịp lễ trang nghiêm, đĩnh đạc của các cụ, các ông, các bước quỳ, động tác dâng, bái của trưởng họ, giọng đọc văn tế rất chuyên nghiệp của ông Tuấn và nhịp trống điêu luyện của chú Tư Hý. Nhìn dáng chú Tư Hý năm nay 83 đang đánh trống, cụ Hòe ghé tai tôi bảo: “Phải chuẩn bị có người thay ông Hý chứ !”. Vâng, cụ yên tâm chắc chắn sẽ có người thay khi chú Tư Hý không đánh trống được nữa .Trước đây, anh tôi, ông Ngọ cũng là một tay trống có hạng, khi anh tôi mất đi thì chú Tư Hý lên cũng chẳng kém gì. Dòng tộc là một dòng chảy không ngừng, các thế hệ nối tiếp nhau đến vô cùng, vô tận. Năm nay, tôi lại thêm cháu nội, là con trai nên theo lệ họ, gia đình tôi có lễ dâng tổ tiên cho cháu nhập họ. Lễ này tùy tâm, miễn là mình có lòng thành. Trưởng họ nhận lễ và tuyên đọc trước toàn họ. Năm nay có cả ba nhà nữa cũng xin nhập họ cho cháu trai. Nghĩ ra thì thiệt thòi cho các cháu gái, tôi tin rồi họ sẽ có cả lễ nhập họ của các cháu gái nữa vì bình đẳng nam nữ mà (!) Đến đây tôi nhớ đến một bà chị, chị Hạt, lấy chồng tít tận miền núi nhưng hồi chị còn sống, năm nào chị cũng có cơ trầu về lễ họ. Cả họ ai cũng quý và thương chị.
Sau lễ tế tổ là cuộc họp của họ. Trưởng họ tuy ít tuổi nhưng chủ trì cuộc họp rất trật tự và nghiêm trang. Ai nói nói chuyện riêng là cháu nhắc nhở. Đối với các vai trên cháu từ tốn, khéo léo nên khi được nhắc nhở ai nấy đều vui vẻ tự chấn chỉnh lại tư thế ngồi, không nói chuyện riêng. Nội dung cuộc họp thường đơn giản, xoay quanh công việc của họ trong năm và bàn những chuyện cho năm tới. Mọi người phát biểu thảo luận, sau đó trưởng họ kết luận và “chốt” những vấn đề cần thiết. Tiếp đến là trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi, các cháu đỗ Đại học, các cháu có thành tích xuất sắc khác…Đặc biệt lần “việc họ” này, họ có thêm tin vui: Thằng con trai anh Thử vừa bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ ngành y. Như thế là họ tôi có hai Tiến sĩ. Còn Thạc sỹ, Đại học thì nhiều không kể hết. Anh Thử bị tai nạn mất sớm, chị ở vậy nuôi con. Các con chị đứa nào cũng thành đạt. Lần “ việc họ” nào các cháu cũng về thay bố dâng hương lên tổ tiên. Lần này, cháu đỗ bằng tiến sĩ đã khao cả họ một con lợn. Cuộc họp sắp kết thúc thì ông Trực đứng lên xin có nhời với cả họ. Bên cạnh ông là một chàng trai cao ráo, trắng trẻo tay ôm một sấp thiếp mời cưới đỏ chót. Đó là cháu Hiếu, con ông Thành từ Hà Nôi về mời cả họ ra dự cưới ở một nhà hàng đường Võ Thị Sáu, Hà Nội. Ông Trực thay mặt bố cháu có lời mời cả họ và có xe đưa đón chu đáo. Tôi nhớ ra rồi: Lần “việc họ” hồi đầu năm, cháu Hiếu được hai mẹ và chị dẫn về ra mắt và xin nhập họ. Đó là một câu chuyện đầy nhân ái: Ông Thành đã có vợ con nhưng vẫn duyên tình với một người phụ nữ khác. Cuộc tình thầm kín đó kéo dài hơn hai chục năm. Khi ông Thành bị bệnh hiểm nghèo sắp từ giã cuộc sống có trăng trối lại với vợ con và thú thực là có một con trai đã hơn hai mươi tuổi. Hai bà gặp nhau và gia đình chấp nhận cháu Hiếu là con chung của mọi người.Thế là có cuộc dâng lễ xin nhập họ, nhận họ hàng hôm ấy. Cả họ ai cũng cho là phải và vui vẻ với cái kết có hậu đó của cuộc đời. Lần “ việc họ” này cháu về mời họ ra dự đám cưới cháu. Tôi tin sẽ có nhiều người trong họ ra dự lế cưới của cháu. Ở làng tôi, những đám cưới ở Hà Nội, Hà Đông mời họ là đều bố trí xe đưa đón chu đáo. Theo quan niệm của nhiều người, đám cưới ở tỉnh mà thiếu khách nhà quê, người ta cứ thấy nó thế nào ấy. Hình như gia đình ấy không có gốc gác hoặc đã quên gốc gác mất rồi. Các ông bà nhà quê bây giờ dự đám cưới ở tỉnh cũng com lê, áo dài chứ không úi sùi như ngày xưa đâu, trông vào chẳng khác nào khách tỉnh…
Xưa nay, “việc họ”, “việc làng”, “việc xóm”… là đều phải có ăn. “Việc họ” của tôi cũng không ngoại lệ. Tất cả phải đóng góp. Có hai xuất đóng: một là xuất “lễ”, tất cả các con trai –gọi là suất đinh, đều phải đóng để có tiền thổi xôi, thịt, hương, nến… sửa lễ tổ tiên. Còn suất “việc” dành cho những ai có thời gian và điều kiện ngồi ăn. Năm nào số người đóng tiền để “việc” cũng đông. Ngoài nhà thờ, hai cái sân dựng rạp ngồi kín người. Ngày xưa, các mâm chỉ đóng bốn, bây giờ đóng sáu. Bộ phận trông coi làm cỗ được cử ra hằng năm gọi là “Bàn mua”. Bàn mua có trách nhiệm lo hai lần “ việc họ”, lo các đám hiếu trong năm, lo vấn đề sửa chữa nhà thờ, tu sửa, tôn tạo các phần mộ tổ và những công việc phát sinh khác. Bàn mua thường cử các ông ở quê để tiện công việc nhưng cũng có người xung phong. Chú Mỳ nhà ở Hà Đông, năm vừa rồi cũng xung phong vào “Bàn mua”. Hôm “việc họ”, hai bố con về từ tối hôm trước để sáng hôm sau sang nhà thờ thịt lợn sớm. Cỗ “việc họ” chủ yếu là thịt lợn nhưng bây giờ mua lợn “cắp nách” và được chế biến khéo nên ăn không ngấy và mọi người cảm thấy ngon miệng. Có lẽ cái cảm giác ngon miệng có được còn là do không khí của bữa ăn. Cách sắp xếp chỗ ngồi tự nhiên mà rất là quy củ: Gian giữa là mâm các cụ, các ông, ở hai bên là mâm các vai anh, vai bác, các vai thấp nữa thì có bàn ngồi ngoài sân. Hình như ai cũng định vị được chỗ ngồi của mình hằng năm, nên năm nào cũng thấy cụ ấy ngồi chỗ ấy, có cụ nào mất đi thì lại có cụ khác ngồi vào chỗ đó. Năm nay mất mấy người nhưng đều là vai dưới, vai các cụ, các ông vẫn nguyên vị. Còn tôi và mấy anh em vẫn ngồi với nhau ở gian bên. Ở trong họ vấn đề tuổi tác không được coi trọng bằng ngôi thứ: Có ông mới 55, 60 vẫn ngồi gian giữa. Bác Thụy, chú Tư Hý 83, 84 vẫn ngồi gian bên cùng chúng tôi. Có điều sau bữa cỗ, các thành viên của họ 80 trở lên đều được trưởng họ biếu một khẩu trầu và túi hoa quả. Năm nay, tôi ngồi cùng mâm với chú Tươi, chú nhiều tuổi hơn tôi nhưng là vai dưới. Chú tốt nghiệp Bách Khoa, thời công tác đã từng làm phó Giám đốc một công ty cầu đường, lấy vợ tận miền núi, vợ có về “việc họ” mấy lần. Bây giờ chú đang ở Xuân Đỉnh, Hà Nội. Chú làm thơ từ hồi học phổ thông, đã ra ba tập thơ và lần này về “việc họ” lại mang tặng ông anh tập thứ tư. Tôi đọc tập thơ và có điện thoại trao đổi về tập thơ mới của chú. Đó cũng là một con người có nhiều thăng trầm trong cuộc sống song biết tự lực vươn lên,vượt qua khó khăn, bệnh tật để có một gia đình hài hòa, êm ấm. Phải nói thật bụng là cỗ thịt lợn ở nhà quê rất ngon. Tất cả từ một con lợn mà ra. Đầu vị là đĩa lòng gồm: mấy miếng gan luộc lòng đào bày ở trên, rồi đến các miếng lòng non, dồi, lá lách, tinh mắt còn có thể nhìn thấy vài miếng tim, cật ẩn ở đâu đó trong đĩa. Sau đó là các đĩa xương xáo, thịt luộc, chả nướng, bát canh bí nấu xương, ít rau thơm…Có năm còn đánh cả tiết canh. Cấp dưỡng là hầu hết trai trẻ trong họ. Mỗi người một tay, người băm, người chặt, người nướng, người nhặt rau thơm, người đi tìm lá sung…Ai cũng muốn đóng góp sức mình vào bữa cỗ cho mọi người được ngon miệng. Chú Hồng, một đại tá về hưu có lần nói với tôi: “Em cứ mong đến “việc họ” để được về uống rượu với các bác. Cỗ “việc họ” vừa ngon lại vừa vui”. Làm cỗ có vẻ xô bồ như thế nhưng các món đều được làm sạch sẽ, hợp vệ sinh, thịt lại tươi, rau thơm từ những vườn nhà nên từ khi có “việc họ” đến nay tôi chưa thấy một vụ ngộ độc thực phẩm nào. Bụng dạ yếu như tôi cũng chưa lần nào bị “Tào Tháo đuổi”. Cỗ “việc họ” bao giờ cũng rề rà. Mâm các cụ, các ông và các thành viên nhiều tuổi thường xong trước. và có người vào bê mâm ra, mang tăm, nước vào. Còn kéo dài nhất và ồn ào là các mâm những người trẻ tuổi. Họ có sức, uống được và gặp nhau trò chuyện thậm chí có khi lại là dịp để trao đổi kinh nghiệm hoặc hợp tác trong làm ăn. Tôi đã chứng kiến một cuộc của cánh trẻ. Vào mâm, họ giới thiệu vai vế, sau đó cứ thế mà xưng hô cho đến khi tàn cuộc. Anh nào nói năng không đúng thứ bậc là lập tức bị phạt. Một lần, tôi thấy cháu Công mắng tới tấp một đứa, tôi hỏi tại sao thì cháu bảo: Nó là em cháu mà nói năng hỗn láo. Say rượu ở chỗ khác chứ không say ở đây được. Quả thật, thấy các cháu chúc tụng, “dô, dô” ầm ĩ nhưng cũng chưa có thấy các cháu cãi nhau, xô xát nhau bao giờ. Vai vế trong họ nó có những uy lực riêng, hầu như không tính đến giầu nghèo, sang hèn, quyền thế…Tôi xa quê đã lâu, ít được gặp gỡ các cháu nhưng mỗi lần về “việc họ” thấy các các cháu chào hỏi thân tình mình cảm thấy mát lòng, mát dạ. Nếu có thời gian các cháu hỏi lại tôi: Bác biết cháu là ai không? Rồi nói ra con nhà này, nhà kia gần gũi mà lâu ngày không gặp thành ra xa cách đấy thôi. Từ ngày lớn lên, tôi gắn bó dần với họ hàng, làng xóm. Kì “việc họ” đầu năm mùng 10 tháng giêng tôi đều nhắc các cháu đưa về sớm để còn đi tảo mộ. Đó cũng là một tục lệ đẹp ở họ tôi. Ngày đó một bộ phận làm lễ ở nhà thờ, một bộ phận mang hương, cuốc, xẻng đi tảo mộ. Nhóm đi tảo mộ do cháu Phúc, trưởng họ dẫn đầu, tay cầm bó hương hăm hở đi trước. Tôi phục cháu, còn ít tuổi nhưng đến mộ nào, mộ nào cháu kể vanh vách lịch sử từng ngôi mộ cho các người xung quanh nghe. Nhiều lần đi tảo mộ, tôi cũng hiểu thêm được lai lịch họ nhà mình. Đi đến đâu, mọi người đều sửa sang các phần mộ rồi thắp hương khấn vái rất thành kính. Mộ nào cần tu sửa, trưởng họ tính toán và xin ý kiến của họ để vận động quyên góp hay bổ đóng suất đinh để có kinh phí tu sửa. Việc lo cho các phần mộ tổ được cả họ dễ dàng nhất trí, việc quyên góp cũng không khó khăn gì. Tất cả đều vì việc chung của họ, minh bạch, rõ ràng nên mọi người tin tưởng giao phó cho những người có trách nhiệm được họ cử ra. Theo dõi sự phát triển của họ, chỉ tính theo suất đinh họ tôi đã ngày càng đông vui. “Việc họ” lần nào cũng vắng một vài người, nhưng lại cũng có thêm một vài người những năm trước đi làm ăn xa không về được, năm nay lại có mặt. “Việc họ” năm nào lễ tiết cũng như thế, cỗ bàn cũng không khác lần trước nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy có thêm bao điều mới mẻ. Sự mới mẻ có được từ những gì xưa cũ, từ những con người có mặt hôm nay và cả những con người không có mặt, trong có có những con người, tôi biết rằng sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Chỗ ngồi của họ trong mâm cỗ “việc họ” năm nay đã có người ngồi thay thế rồi.
Dòng đời tiếp nối mà.

Thanh Ứng
Địa chỉ: Phạm Văn Ninh
Nhà số 8, ngõ 10, khu Hà Trì 5
Phường Hà Cầu.quận Hà Đông, Hà Nội

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments