Trang chủCHUYÊN MỤC KHÁCBÀ PHẠM THỊ TIÊN ĐIỀU VÀ TRINH TỊNH ĐƯỜNG Ở ĐẢO LÝ...

BÀ PHẠM THỊ TIÊN ĐIỀU VÀ TRINH TỊNH ĐƯỜNG Ở ĐẢO LÝ SƠN

 

Ngày 11 tháng Ba năm Bính Thân (tức ngày 17-4-2016) tộc họ Phạm Văn tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ khởi công tôn tạo tu bổ ĐỀN BÀ ROI – tên chữ là TRINH TỊNH ĐƯỜNG, nơi thờ bà Phạm Thị Tiên Điều người đã hy sinh để bảo vệ Đảo chống lại bọn giặc Tầu Ô thế kỷ 17.

Nhân dịp này, xin giới thiệu vài nét về bà Phạm Thị Tiên Điều và Đền Bà Roi ở đảo Lý Sơn.

Lịch sử hình thành Đảo Lý Sơn đã ghi rõ:  Từ 2.500 – 3.000 năm trước đây, ở Cù Lao Ré (Đảo Lý Sơn ngày nay) đã có cư dân sinh sống, nhưng thực sự được khai canh chỉ từ thời vua Lê Kính Tông niên hiệu Hoằng Định (1600-1619). Từ đó có cư dân Đàng Ngoài vào sinh sống bằng nghề biển và canh tác hoa màu (ngô, khoai, đậu) và dần dần phát triển lên.

Thời kỳ đâu hình thành Đảo, đầu thế kỷ 17  đến giữa thế kỷ 19, vấn nạn hải tặc Trung Hoa luôn là nỗi ám ảnh suốt các đời chúa và vua triều Nguyễn. Sử sách triều Nguyễn gọi bọn hải tặc Trung Hoa bằng nhiều tên trong đó có tên gọi là “giặc cướp biển Tàu Ô”. Người ta kể  rằng giặc Tàu Ô thường xuyên rình rập ở vùng biển bắc Quảng Ngãi, hằng năm vào kỳ đông xuân thường đổ bộ lên đảo Bé rồi từ đảo Bé sang đảo Lớn (là hai đảo của Cù Lao Ré) cướp của, giết người.  Đó không phải là lời truyền ngôn mơ hồ, vô căn cứ, mà trong nhiều sử sách đã ghi điều đó. Bộ sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn không bỏ qua những vụ việc cướp biển và các biện pháp phòng chống.

Cù Lao Ré là nơi chúng đã cướp nhiều lần. Để chống giặc Tàu Ô, người dân Cù Lao Ré  đã phải  hiệp lực bảo vệ quê hương, đã phải bằng mọi cách tổ chức phòng chống giặc Tầu Ô trong đó có việc tìm cách nắm thông tin và báo hiệu là có giặc đến.  Nhiều người đã hy sinh trong chống giặc Tàu Ô được nhân dân hằng nhắc nhớ. Đặc biệt một lần vào năm Nhâm Dần (1842) đảo bị chúng cướp, đốt phá đình làng, đốt chay nhiều nhà dân. Sự kiện này được ghi  chi tiết trong “Đại Nam thực lục chính biên” nói về giặc Tàu Ô hoạt động ở đảo Cù Lao Ré.

Trong những người hy sinh trong sự nghiệp chóng giặc Tầu Ô nổi lên bà PHẠM THỊ TIÊN ĐIỀU, người hy sinh sớm nhát, từ năm 1645 được nhân dân tôn kính lập đền thờ ngay sau khi bà chết.

Chuyện kể như sau:

Theo phả hệ, sắc phong, thần tích và những tài liệu Hán – Nôm mà tộc Phạm (Văn) còn lưu giữ thì Bà Roi tên thật là Phạm Thị Lôi, tên chữ là Phạm Thị Tiên Điều, tên thường gọi là Roi, sinh năm 1629 thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tại xóm Xó La, làng An Vĩnh trong một gia đình danh gia vọng tộc. Bà là thứ nữ của Thủy tổ họ Phạm (Văn). Tộc họ này là một trong 6 tộc họ đã khai khẩn làng An Vĩnh hàng thế kỷ trước. Cụ thân sinh bà tên là Phạm Văn Huệ và thân mẫu là Bùi Thị Toại. Bà là Bà cô của Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật. Nàng Roi nết na, xinh đẹp, da trắng như tuyết, mắt sáng tựa sao, tóc dài chấm gót.

Năm Ất Dậu – 1645, nàng Roi tròn 16 tuổi, cái tuổi trăng tròn, nàng đẹp rực rỡ. Buổi trưa ngày 15 tháng 5 âm lịch, nàng đã phát hiện giặc Tàu Ô đang hung hổ kéo vào đảo để cướp bóc, đốt phá nên vội chạy ra biển tìm cha và dân làng để báo tin. Trong khi đang tìm cách đối phó cùng dân làng, nàng bị quân giặc phát hiện và truy đuổi nàng đến vũng Thầy Tu (còn gọi là Vũng Lúa). Cùng đường và sợ bị sa vào tay giặc, càng không chịu để bị tấm thân bị ô uế, nàng nhảy xuống đó tự vẫn. Dưới biển, lạ thay, nàng vẫn trong tư thế tựa như ngồi thiền, tóc xõa phủ vai, mặc sóng chao, gió lớn!  Vũng Thầy Tu nay là chổ diễn ra lễ đua thuyền truyền thống của huyện đảo Lý Sơn. Bà con trong làng tiếc thương, đem xác nàng về chôn cất và lập đền thờ, gọi đền thờ này nôm na là Miếu Bà Roi, Dinh Bà Roi rồi sau đổi gọi là “Trinh Tịnh Đường”. Bà mất vào ngày rằm tháng 5 năm Ất Dậu – 1645, nhưng để tránh ngày trai giới, ngày 16 tháng 5 âm lịch hàng năm, việc tế tự Bà Roi được diễn ra rất trang  trọng. Không chỉ trong tộc họ Phạm Văn mà bà con tộc họ khác trên khắp huyện đảo đều xem đây là vị phúc thần, bậc cao tổ có công với sự bình yên của huyện đảo.

Trong tâm thức ngưỡng vọng của người dân xứ đảo, Bà Roi là bậc phúc thần cao tổ, chí hiển linh, báo ứng mọi điều nhằm phò hộ, độ trì chở che an lành dân chúng. Là nhân thần người Việt nữ duy nhất ở Lý Sơn, Bà Roi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chống ngoại xâm, tinh thần trung trinh liệt nữ và là biểu tượng cao đẹp về tình thương yêu, đoàn kết gắn bó cộng đồng. Bà là chỗ dựa vững chắc trong đời sống tâm linh của người dân xứ đảo.

Mới đầu, Đền Bà Roi chỉ là một ngôi miếu nhỏ, đơn sơ. Tôn kính Bà nên năm Đinh Dậu, Thành Thái thứ 9 (1897), từ ngôi miếu nhỏ, các ông Phạm Văn Thọ, Phạm Hữu Kính và dân làng đã thành tâm hiến đất, cúng tiền và góp công xây dựng nên Miếu thờ Bà lấy tên là Trinh Tịnh Đường. Đến nay ngôi đền vẫn được giữ nguyên vẹn từ lần xây dựng cách nay 119 năm ấy mặc cho bao nhiêu tác động của thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt. Ngôi đền này tọa lạc ven bờ nam đảo, trước đền ngoài bình phong trụ biểu, là ngôi mộ an táng Bà. Đền được xây theo dạng hình chử tam bằng vôi vữa, gồm tiền đường, chánh điện và hậu cung, ngói lợp âm dương. Trên nóc mái có hình lưỡng long tranh chầu, hai đầu hồi đắp nổi cá chép hóa long và sơn vẽ hình muông thú, hoa cỏ. Nội thất là những bức hoành phi: chính diện là ba chữ Diệu Anh Linh, bên phải là chữ Ân đức, bên trái là chữ Tâm thành và hai câu liễn thờ chạm khắc công phu, sơn son, thếp vàng uy nghi, lộng lẫy:

Vạn cổ di dung tồn tự điển,

 Thiên thu hích dịch ngưỡng chung linh”.

Đây là một trong những ngôi đền độc đáo, đặc trưng cho lối kiến trúc cổ xưa kiểu tôn giáo tín ngưỡng thời Nguyễn, nổi tiếng uy nghiêm, linh hiển được nhân dân trọng vọng tôn thờ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó chủ tịch UBND  huyện Lý Sơn trong lễ kỷ niệm 395 năm ngày bà Phạm Tiên Điều tử tiết tại Trinh Tịnh Đương năm 2004 nói: “Công lớn của bà là báo động cho dân làng biết có giặc Tàu Ô đến, để cho dân làng tránh sự sát hại của chúng…. Đây là một nhân thần duy nhất tại Lý Sơn và cũng là nhân thần người Việt duy nhất hiếm có ở tỉnh Quảng Ngãi”.

TS Đoàn Ngọc Khôi khẳng định: “Di tích miếu Bà là di sản văn hóa – Lịch sử vô cùng có giá trị đã phản ánh qúa trình khai phá, lập làng gian khổ và oanh liệt của người Việt trên đảo. Các văn bản chử Hán còn lưu lại trong nhờ thờ bà đã minh chứng sự linh ứng của Bà, luôn hiển thánh bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân”,

Cố GS Trần Quốc Vượng – Đại học Quốc gia Hà Nội đến dự lễ kỵ  lần thứ 359 (năm 2004) bà Tiên Điều đã nói: “Bản sắc phong từ thời Tự Đức thập ngũ niên (1862) đã chứng tỏ, Trinh Tịnh Đường là một ngôi đền rất linh thiêng – Nổi tiếng từ xưa”

Ấy thế mà đến nay Đền này vẫn chưa được xếp hạng di tích Lịch sử- Văn hóa…..

Sự kiện bà Phạm Thị Tiên Điều hy sinh để bảo vệ dân, bảo vệ xóm làng chống lại giặc Tầu Ô không những là một biểu tượng cho lòng yêu nước thương dân của người dân xứ Đảo mà còn là một tư liệu lịch sử sống động về việc giặc Tầu Ô cướp phá vùng biển Việt Nam thời các chúa Nguyễn – thời đầu khai phá Đảo mà sử sách mới chỉ ghi chép được trong thời các Vua Nguyễn mà thôi  Chuyện bà Phạm Thị Tiên Điều là một chuyện có thật, là một trong những chuyện lưu truyền trong dân gian về nạn cướp biển mà rất tiếc cho đến ray chưa ai để tâm nghiên cứu nên ta cũng chưa được biết đến nhiều.

Mong được giới sử học để tâm nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này, tỉnh Quảng Ngãi nhanh chóng xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa cho Đền.

Mong mọi người ủng hộ tinh thần và vật chất cho việc tu bổ tôn tạo Đền Bà Roi – Trinh Tịnh Đường.

Phạm Thúy Lan, tháng 4-2016

Chú thích ảnh:    1, 2  Trinh Tịnh Đường – Đền Bà Roi ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi..

3    Đoàn đại biểu Hội đồng Họ Phạm Việt Nam thăm mộ bà Phạm Thj Tiên Điều trong khu Đền Bà Roi – Trinh Tịnh Đường  trong chuyến ra thăm Lý Sơn tháng 4-2010.

1   index

2

RELATED ARTICLES

Most Popular

Recent Comments